Hotline: 0969 739 968
Trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chia sẻ những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc đảm bảo định hướng phát triểun nghề thẩm định giá, tránh phát triển "nóng", khó kiểm soát như thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế cũng được nhận diện rõ rệt để đưa hoạt động thẩm định giá vào đúng khuôn khổ.
Thưa ông, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá có những thời điểm phát triển nóng, thậm chí vượt quá định hướng phát triển nghề. Sau thời gian cơ quan quản lý siết chặt quy định và chấn chỉnh hoạt động, bức tranh hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá hiện nay ra sao, thưa ông?
Trong giai đoạn từ 2018 - 2020, số lượng doanh nghiệp đề nghị cấp mới tăng cao. Vì vậy, ngay từ giữa năm 2019, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc nghiên cứu cơ chế chính sách về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá để sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đáng chú ý, hai quy định mang tính siết chặt hơn đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá cũng như nghĩa vụ ký báo cáo, chứng thư của các thẩm định viên được quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/2/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 (Nghị định số 12).
Theo đó, thẩm định viên về giá, trừ thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, phải ký ít nhất 10 bộ chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm được thông báo hành nghề, nếu không đủ thì không được đăng ký hành nghề trong năm tiếp theo.
Còn người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định; đồng thời, có ít nhất 36 tháng là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Ngoài ra, cá nhân này không là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong 12 tháng tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Từ khi quy định về cấp, cấp lại có hiệu lực theo Nghị định số 12, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá đảm bảo được định hướng phát triển nghề. Trong năm 2023, Bộ Tài chính chỉ cấp mới 12 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Theo số liệu thông báo điều kiện hành nghề đầu mỗi năm, ba năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tương đối ổn định. Theo đó, đầu năm 2022 có 279 doanh nghiệp, năm 2023 là 288 doanh nghiệp và đầu năm 2024 là 278 doanh nghiệp.
Về tình hình doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá năm nay ra sao và vì sao, thưa ông? Nguyên nhân nào khiến Cục Quản lý giá phải xử lý và đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp?
Thời gian qua, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Việc đình chỉ kinh doanh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: doanh nghiệp và thẩm định viên vi phạm quy định về hoạt động thẩm định giá, bị xử phạt, tước thẻ, xóa tên khỏi danh sách đủ điều kiện hành nghề, có những doanh nghiệp cũng chủ động xin ngừng kinh doanh do khó lòng đáp ứng được điều kiện mới. Trong đó, chúng tôi ghi nhận phần lớn đến từ vi phạm của thẩm định viên dẫn đến không được hành nghề, hay doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực này.
Liên quan đến những vi phạm của doanh nghiệp, thẩm định viên, theo kết luận của cơ quan điều tra, trong nhiều vụ án kinh tế, những chứng thư thẩm định giá ban hành lệch lạc về giá trị, gây nên thiệt hại khôn lường, đặc biệt trong những vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vay tín dụng gần đây. Theo ông, nguyên nhân nào gây nên tình trạng trên, từ phía doanh nghiệp, thẩm định viên về giá và khách hàng ra sao?
Trên cơ sở kết quả bản án cũng như nắm bắt thông tin quản lý và báo cáo của các doanh nghiệp thẩm định giá, tôi thấy rằng Cơ quan tố tụng khởi tố các vụ án do có các sai phạm liên quan đến các hành vi lợi dụng chức vụ; vi phạm quy định về quản lý tài sản, về đấu thầu, cụ thể các vụ án trên đều được truy tố một trong năm tội danh.
Đó là (1) vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; (2) vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; (3) lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; (4) vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; (5) vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Trong đó, doanh nghiệp, thẩm định viên chủ yếu là đồng phạm và bị quy kết tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đánh giá của các cơ quan tố tụng, các chuyên gia trong tố tụng, Hội thẩm định giá Việt Nam, cũng như đánh giá của Cục Quản lý giá, những sai phạm liên quan đến việc thẩm định giá xảy ra nêu trên có các nguyên nhân khách quan; thông tin về thị trường tài sản, hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế, ít công khai và minh bạch... Hệ thống pháp luật đôi khi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, việc thực hiện đấu thầu mua sắm, đấu giá bán còn thiếu tính minh bạch, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực.
Bên cạnh đó, các sai phạm xuất phát nhiều từ nguyên nhân chủ quan của cá nhân thẩm định viên về giá hành nghề khi có dấu hiệu của việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá như thông đồng, câu kết của thẩm định viên về giá hành nghề với các chủ đầu tư... Doanh nghiệp thẩm định giá cũng chưa thực hiện kiểm soát chất lượng hiệu quả.
Từ kết luận của cơ quan điều tra lộ ra tình trạng mượn thẻ thẩm định viên về giá và thành lập doanh nghiệp nhằm thao túng kết quả thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản để trục lợi trong vay vốn ngân hàng hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Quy định ban hành tại Nghị định số 12 có giúp ngăn chặn được thực trạng nhức nhối này, thưa ông?
Trước đây, để phát hiện việc cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá rất khó khăn, chỉ khi nào cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra mới biết, đặc biệt với những doanh nghiệp cố tình vi phạm đã thành lập trước ngày Nghị định số 12 có hiệu lực (ngày 1/5/2021). Với Nghị định số 12, nhiều quy định ràng buộc doanh nghiệp thẩm định giá phải hoạt động thực sự, phục vụ thị trường chứ không phải thành lập ra chỉ để phát hành một số chứng thư, báo cáo thẩm định giá có chủ đích.
Những yêu cầu về việc người đại diện pháp luật cần tích lũy kinh nghiệm thực tế và trách nhiệm của thẩm định viên ký ít nhất 10 báo cáo cáo chứng thư cũng tạo nên một rào cản ngăn chặn hành vi mượn thẻ thẩm định viên.
Cơ quan quản lý sẽ chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị thẩm định giá và thẩm định viên để ngăn chặn tình trạng lợi dụng thẻ hành thẩm định viên về giá...
Trong nhiều vụ việc, nhiều khi khách hàng cố tình không cung cấp đúng, đủ, hợp lệ, hợp pháp tài liệu, hồ sơ cho công tác thẩm định giá, vậy chế tài với khách hàng trong các trường hợp này là gì, thưa ông?
Liên quan đến chế tài khi khách hàng không cung cấp đúng, đủ, hợp lệ, hợp pháp tài liệu, hồ sơ cho công tác thẩm định giá, ngay tại Luật Giá 2012 có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân có tài sản được thẩm định giá và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá.
Theo đó, nghiêm cấm hành vi chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá để ký hợp đồng thẩm định giá; hoặc cung cấp không chính xác, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá.
Đồng thời, tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn cụ thể hóa mức xử phạt đối với các hành vi nêu trên.
Đến Luật Giá 2023, quy định liên quan đến vấn đề này tiếp tục được củng cố. Khoản 7 Điều 7 Luật Giá 2023 quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá như: cố ý cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá; mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
Đồng thời, bổ sung thêm việc nghiêm cấm khách hàng sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực, sử dụng chứng thư thẩm định giá không theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với tài sản thẩm định giá, số lượng tài sản thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá.
Bộ Tài chính cũng được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính, các nội dung liên quan đến xử phạt theo các hành vi nêu trên tiếp tục được nghiên cứu và quy định rõ tại dự thảo nghị định.
Trước những vi phạm bị phát giác ngày càng nhiều kể trên, nhiều ý kiến cho rằng nghề thẩm định giá đang được đánh giá là có nhiều rủi ro trong các nghề tư vấn. Vậy những rủi ro nghề thẩm định giá phải đối mặt là gì, thưa ông?
Yếu tố rủi ro có thể được hiểu theo các cách khác nhau. Rủi ro có thể là những điều không tốt đẹp, để lại những hậu quả tiêu cực sau này. Khi đó, rủi ro nghề nghiệp thẩm định giá chính là những hậu quả liên quan đến trách nhiệm mà thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá gánh chịu.
Trong hoạt động nghề nghiệp thẩm định giá sẽ phát sinh các trách nhiệm dân sự (phải đền bù thiệt hại); trách nhiệm hành chính (bị xử phạt, xóa tên khỏi danh sách hành nghề, tước thẻ, đình chỉ kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá); trách nhiệm hình sự (bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự).
Nếu hiểu rủi ro là những khả năng xảy ra điều bất lợi, không mong muốn, gây thiệt hại, mất mát hoặc ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hành nghề, thì nhiều rủi ro thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá phải đối mặt.
Qua các vụ việc, có thể thấy rủi ro liên quan đến thông tin về tài sản thẩm định giá mà khách hàng cung cấp (khách hàng cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá); rủi ro liên quan đến thông tin thị trường (thông tin bị nhiễu, bị bóp méo hay bị thiếu, không đầy đủ,…); rủi ro trong quá trình khảo sát tài sản thẩm định giá, tài sản so sánh (khảo sát nhầm tài sản, khảo sát không bao quát hết được những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến giá trị tài sản do nguyên nhân khách quan,…).
Cùng với đó là rủi ro trong tính toán (gặp phải lỗi kỹ thuật tính toán, đặt nhầm công thức,...); rủi ro khi đưa và phân tích các giả định và điều kiện hạn chế (đưa và phân tích chưa hợp lý và phù hợp với thực tiễn).
Để ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra, doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định, phương pháp trong thẩm định giá; tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, giữ vững chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt chất lượng thẩm định giá nội bộ của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những sai sót trong quá trình thẩm định giá.
Về phía thẩm định viên, phải tuân thủ các quy định, cập nhật thường xuyên văn bản pháp luật và cập nhật kiến thức để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cũng như đảm bảo đủ điều kiện đăng ký hành nghề cho năm hành nghề tiếp theo.
(Nguồn: https://vneconomy.vn/luong-ro-rui-ro-xoc-lai-hoat-dong-tham-dinh-gia.htm)
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
@2020 Thẩm định giá phương nam.Thiết kế website AHT