Hotline: 0969 739 968
Nhóm năng lượng đóng góp chủ yếu vào xu hướng chung của toàn thị trường với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tăng giá.
Lo ngại nguồn cung từ Trung Đông bị gián đoạn, giá dầu tăng 4%
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 9/10, giá dầu tăng vọt hơn 4% khi các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Trung Đông. Cụ thể, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp với 4,34% lên 86,38 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 4,22% lên 88,15 USD/thùng.
Đà tăng mạnh của giá dầu chủ yếu từ tâm lý thị trường hơn là yếu tố cung cầu thông thường do cả Israel và Palestine đều không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn. Tuy nhiên, nguồn cung dầu cũng đối diện với rủi ro lớn trong trường hợp xung đột gia tăng, kéo theo nhiều thành phần trong khu vực.
Trong một kịch bản cực đoan, Iran có thể đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích trực tiếp nào bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển huyết mạch quan trọng. Tehran đã từng đe dọa đóng cửa khu vực này, điểm nghẽn hàng hải ngay phía Bắc biển Saudi Arabia.
Eo biển Hormuz kết nối các nước sản xuất dầu ở Vịnh Ba Tư với các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới. Dưới sự kiểm soát của Iran, eo biển này giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với dòng chảy dầu thô toàn cầu khi chiếm hơn 1/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu, tương đương khoảng hơn 20 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, theo các nguồn tin vận chuyển và thương mại, cảng Ashkelon của Israel và kho cảng dầu mỏ của nước này đã bị đóng cửa sau cuộc xung đột giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas. Cảng xuất khẩu trên nằm cách biên giới với dải Gaza chỉ hơn 10 km.
Trong khi đó, nhà phân tích Ed Morse của Citigroup cho biết tác động của cuộc xung đột Israel đối với thị trường dầu mỏ sẽ là trong dài hạn, với nguy cơ Saudi Arabia có thể không giảm bớt việc cắt giảm sản lượng như mong đợi do chiến tranh. Hơn nữa, ông Ed Morse cho biết Mỹ cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Iran.
Cùng với đó, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng cuộc tấn công đang làm giảm khả năng bình thường hóa quan hệ của Israel với Saudi Arabia và việc thúc đẩy sản lượng của Saudi Arabia theo thời gian. Ngân hàng này cũng cho biết cuộc xung đột làm tăng nguy cơ căng thẳng leo thang trong khu vực rộng lớn hơn nên dự báo báo sản lượng của Iran sẽ hạ thấp hơn. Bất kỳ mức giảm 100.000 thùng/ngày nào trong sản lượng năm 2024 của Iran so với mức cơ sở sẽ làm tăng giá dầu Brent cuối năm 2024 hơn 1 USD/thùng.
Về phía nhu cầu, trong báo cáo Triển vọng dầu thế giới năm 2023 công bố vào ngày 9/10, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn. Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 6 triệu thùng/ngày so với mức dự báo trong báo cáo năm ngoái, dẫn đầu đà tăng trưởng là Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia châu Á khác, Châu Phi và Trung Đông.
Thêm vào đó, OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn trong năm 2028 lên 110,2 triệu thùng/ngày, tăng từ 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Trong khi đó, tổ chức này dự đoán mức tiêu thụ dầu vào năm 2027 sẽ đạt 109 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 106,9 triệu thùng/ngày theo ước tính vào năm 2022.
Thị trường Trung Quốc mở cửa sau lễ, giá kim loại hồi phục
Sắc xanh áp đảo trên bảng giá thị trường kim loại khi ngày giao dịch đầu tuần 9/10 kết thúc. Trong nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều tăng giá, nhưng vàng tăng mạnh nhất nhóm khi tăng 1,56% lên 1.860,88 USD/oz, mức kỷ lục trong vòng hơn một tuần qua. Tương tự, giá bạc và giá bạch kim cũng đã tăng lên mức cao nhất. Cụ thể, giá bạc tăng 0,93% chốt phiên tại mức 21,92 USD/oz. Giá bạch kim đóng cửa tại 888,8 USD/oz sau khi tăng 0,83%.
Các mặt hàng kim loại quý, vốn được biết đến với vai trò hàng đầu là các loại tài sản trú ẩn an toàn, đã được “hưởng lợi” trong bối cảnh xung đột địa chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông.
Với nhóm kim loại cơ bản, nối tiếp đà tăng từ phiên cuối tuần trước, giá đồng COMEX tiếp tục tăng 0,51%, nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan trong dài hạn, trong khi nguồn cung thu hẹp. Tờ Financial Times cho biết vào ngày 9/10, rủi ro thiếu hụt nguồn cung đang đe dọa tới thị trường đồng khi mà các công ty khai thác đồng nhận được ít vốn đầu tư và gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng các dự án khai thác quy mô lớn.
Trái lại, giá quặng sắt nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp, khi giảm 1,21% xuống 116,14 USD/tấn, do nhu cầu tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ sắt thép lớn nhất trên thế giới.
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ “Tuần lễ vàng” kéo dài hơn một tuần, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại từ hôm qua. Dữ liệu kinh tế trong kỳ nghỉ lễ cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn yếu. Cụ thể, Trung Quốc ghi nhận khoảng 826 triệu chuyến du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ, mang lại doanh thu khoảng 753,4 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra là 900 triệu chuyến đi, tạo ra doanh thu khoảng 782,5 tỷ nhân dân tệ.
Hơn nữa, trong kỳ nghỉ lễ, doanh số bán nhà tính theo diện tích sàn trung bình hàng ngày đã giảm 17% so với năm ngoái, bất chấp một loạt biện pháp hỗ trợ nhằm khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản đang suy yếu.
Loạt dữ liệu trên cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc vẫn còn yếu, trong khi cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản vẫn là một lực cản lớn. Triển vọng tiêu thụ sắt thép vì thế cũng trở nên kém sắc.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt cũng phải chịu áp lực khi mà có nhiều công ty sản xuất thép tại Trung Quốc đã quyết định giảm sản lượng thép trong tháng 10 để hạn chế thua lỗ, theo Mysteel. Quặng sắt vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất thép, do đó, việc hạn chế sản lượng thép cũng đồng nghĩa với giảm nhu cầu quặng sắt.
(Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/gia-hang-hoa-nguyen-lieu-dang-tren-da-hoi-phuc-144884.html)
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
3 1 năm trước
@2020 Thẩm định giá phương nam.Thiết kế website AHT