Hotline: 0969 739 968
0:00
19/01/2024 09:54
Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm mặt hàng ngập sắc xanh, kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,7% lên 2.099 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng công nghiệp tăng đáng kể, gần 42% so với hôm qua.
Theo MXV, khép lại phiên giao dịch 18/1, giá đường 11 tăng mạnh 3,09% trong phiên hôm qua, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Giá dầu thô tăng đã kéo theo giá đường đi lên.
Cụ thể, giá dầu thô tăng, khiến các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết suất ethanol hơn hoạt động sản xuất đường. Nguyên liệu đầu vào ít hơn bình thường sẽ góp phần làm giảm sản lượng đường trong thời gian tới khi hoạt động ép mía tại Brazil gần như đã kết thúc.
Ở diễn biến khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Arabica biến động khá mạnh nhưng vẫn tăng 0,42% khi chốt phiên. Ban đầu, triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tích cực tại Brazil đã gây áp lực lên giá. Sau đó, tỷ giá đi xuống đã giúp giá phục hồi trở lại vào cuối phiên.
Giá Robusta tiếp tục đi xuống từ mức cao nhất trong 16 năm, kết phiên hôm qua, giá giảm thêm 2,95% so với tham chiếu. Dù vậy, thị trường vẫn còn lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu cà phê từ các nước sản xuất lớn như Việt Nam.
Kết thúc ngày giao dịch 18/1, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp do tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến. Ngoài ra, tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn khi căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao, cũng góp phần hỗ trợ lực mua trên thị trường.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,03% lên 73,95 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,57% lên 79,1 USD/thùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1 giảm 2,49 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo của Reuters và trái ngược với mức tăng 483.000 thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API). Tồn kho dầu tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu kỳ hạn WTI của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng xuống 32,07 triệu thùng. Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu, tăng 264.000 thùng lên 19,86 triệu thùng.
Trong khi đó, thời tiết lạnh khắc nghiệt và khó khăn trong vận hành vẫn đang làm gián đoạn khoảng 40% sản lượng dầu của North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ. Cơ quan quản lý đường ống North Dakota cho biết sản lượng dầu của bang đã giảm 500.000 - 550.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang làm gia tăng tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn trong khu vực.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 6% xuống mức thấp nhất trong hai tuần do dự trữ giảm ít hơn dự kiến và dự báo nhu cầu giảm do thời tiết ấm hơn vào cuối tháng 1. EIA cho biết các công ty điện lực đã rút 154 tỷ feet khối (bcfd) khí đốt ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1, thấp hơn mức giảm 164 bcf theo dự báo của Reuters. Trong khi đó, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 154,1 bcfd trong tuần này xuống 139,9 bcfd vào tuần tới.
(Nguồn: https://baochinhphu.vn/hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-dong-loat-tang-gia-102240119091228675.htm)
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
4 1 năm trước
@2020 Thẩm định giá phương nam.Thiết kế website AHT